01/10/2018
Chất vấn là một hoạt động giám sát trực tiếp, là quyền quan trọng của đại biểu dân cử (bao gồm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân), mà ở đó thể hiện quyền lực và trách nhiệm của đại biểu với cử tri của mình, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền. Hoạt động chất vấn ngày càng thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri, của cộng đồng và xã hội. Thông qua chất vấn, trả lời chất vấn, những mong muốn, bức xúc của cử tri được làm rõ, xác định được nguyên nhân và giả pháp khắc phục. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin trao đổi về kỹ năng chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân.
 
Chất vấn khác với câu hỏi thông thường
Trước hết về bản chất: Có thể thấy, chất vấn được quy định trong Hiến pháp, văn bản pháp lý quan trọng nhất và được quy định cụ thể trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn đại biểu của mình. Cho nên khi đại biểu HĐND thực hiện quyền chất vấn là nhân danh cá nhân nhưng với tư cách là người đại diện cho quyền lực của nhân dân. Nên không thể hỏi để biết mà không quy kết trách nhiệm gì.
Về mục đích: Chất vấn không phải câu hỏi nêu ra để biết, để nắm tình hình; nếu là câu hỏi thông thường thì người được hỏi có quyền trả lời, không trả lời. Nhưng nếu câu chất vấn thì người bị chất vấn phải có trách nhiệm trả lời, thậm chí nếu trả lời chưa thỏa đáng đại biểu có quyền đề nghị Chủ tịch HĐND đưa ra thảo luận trước HĐND.
Về thủ tục chất vấn: Trình tự, thủ tục chất vấn được quy định chặt chẽ trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; nội dung chất vấn phải ngắn gọn, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân người bị chất vấn. Không thể hỏi câu hỏi tùy tiện được.
Về “hậu quả” của chất vấn: Sau khi nghe trả lời chất vấn, nếu đại biểu không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền kiến nghị xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn. Trường hợp cần thiết, HĐND có thể ra nghị quyết về chất vấn.
Không được ủy quyền cho người khác trả lời thay.
Có 2 hình thức chất vấn: Chất vấn tại kỳ họp của HĐND và chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND. Dù  bằng hình thức nào thì việc trả lời của người bị chất vấn đều phải trả lời trực tiếp, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay
Chất vấn tại kỳ họp HĐND: Trước phiên chất vấn, đại biểu HĐND ghi phiếu chất vấn, trong đó nêu rõ nội dung chất vất, người bị chất vấn gửi đến Thường trực HĐND, Thường trực HĐND xem xét nội dung chất vấn của đại biểu, nêu thấy đảm bảo đúng quy định, đúng vấn đề cần chất vấn thì Thường trực HĐND tỉnh có văn bản chuyển nội dung chất vấn đến người bị chất vấn để yêu cầu trả lời đại biểu. Căn cứ vào chương trình kỳ họp, nội dung chất vấn của đại biểu, Thường trực HĐND, Chủ tọa kỳ họp thống nhất nhóm vấn đề sẽ yêu cầu trả lời chất vấn tại kỳ họp, nhóm vấn đề trả lời chất vấn bằng văn bản.
Trình tự chất vấn được thực hiện theo quy trình đã được Luật quy định, đó là: Đại biểu HĐND nêu câu hỏi chất vấn, có thể minh họa bằng hình ảnh, bằng vật chứng cụ thể. Người bị chất vấn trả lời trực tiếp nội dung đại biểu chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; nội dung trả lời phải xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập, khuyết điểm (nếu có). Trường hợp đại biểu không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền chất vấn lại. Trong trường hợp này, Chủ tọa kỳ họp phải điều hành hết sức linh hoạt, cương quyết để người bị chất vấn nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra hạn chế, khuyết điểm, đồng thời yêu cầu phải khắc phục trong thời gian cụ thể. Nếu vấn đề liên quan đến nhiều ngành thì Chủ tọa yêu cầu các ngành giải trình, làm rõ và quy trách nhiệm. Trường hợp cần thiết có thể ra Nghị quyết về chất vấn.
Description: http://dbnd.laichau.gov.vn/Files/HDND/Users/169/2017/Thang8/Dai-bieu-Giang-A-Vu-chat-van.jpg
Đại biểu Giàng A Vư, tổ đại biểu huyện Phong Thổ chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ tại kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh
Chất vấn tại phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân
Trong thời gian giữa hai kỳ họp, đại biểu HĐND có thể chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND định kỳ hàng tháng, chất vấn được gửi đến Thường trực HĐND cùng cấp để chuyển đến người bị chất vấn, trong đó nêu rõ thời hạn yêu cầu trả lời. Căn cứ vào chương trình phiên họp, Thường trực HĐND bố trí phiên chất vấn cụ thể, trong đó yêu cầu người bị chất vấn dự để trả lời chất vấn, đại biểu biểu chất vấn dự để thực hiện quyền chất vấn. Trình tự tiến hành chất vấn như sau:
Đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, có thể cung cấp thêm thông tin, hình ảnh minh hoạt, vật chứng cụ thể. Người bị chất vấn trả lời trực tiếp, đầy đủ nội dung chất vấn, xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời gian khắc phục; không được ủy quyền cho người khác trả lời thay. Trường hợp đại biểu không nhất trí với nội dung trả lời thì có quyền chất vấn lại hoặc đề nghị Thường trực HĐND, kiến nghị với HĐND xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.
Một số kỹ năng chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân
Để hoạt động chất vấn thật sự hiệu quả, cùng với việc phát huy vai trò của Chủ tọa kỳ họp thì đại biểu HĐND, chủ thể thực hiện quyền chất vấn đóng vai trò hết sức quan trọng thể hiện qua một số kỹ năng sau:
Thứ nhất, chọn vấn đề chất vấn: Đây là yếu tố hết sức quan trọng, đại biểu nên lựa chọn các vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà đại biểu am hiểu, thường là vấn đề bức xúc được cư tri và dự luận quan tâm. Lựa chọn nội dung chất vấn đang được dư luận quan tâm sẽ nhận được ủng hộ từ các đại biểu khác và công chúng. Sự hỗ trợ này có ý nghĩa quan trọng để nội dung chất vấn thành công, đạt hiệu quả. Một câu hỏi hay không nên rườm rà, dài dòng mà phải cụ thể, rõ ràng, sát với thực tiễn cuộc sống, đi thẳng vào vấn đề, đi kèm là quy ra trách nhiệm thuộc về ai.Tại khoản 2, Điều 84 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định: “Nội dung chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn”. Yêu cầu nội dung chất vấn phải “cụ thể” nghĩa là đại biểu phải có bằng chứng, có ví dụ cụ thể; nếu đại biểu chỉ dựa vào dư luận mà không tìm hiểu kỹ thì vấn đề chất vấn, số liệu đưa ra không đảm bảo độ tin cậy. Bên cạnh đó, phải đảm bảo “rõ ràng”, tức là đại biểu phải có đầy đủ thông tin chính xác. Trong trường hợp đại biểu có được thông tin rất có giá trị nhưng chưa có điều kiện kiểm tra, khi đó đại biểu chỉ nên nêu thông tin đó như một nguồn tin để hỏi người bị chất vấn có biết sự việc đó hay không? nếu có thì ở mức độ nào? và trách nhiệm của người bị chất vấn về vấn đề đó như thế nào? Hạn chế việc chọn và đi sâu vào những vấn đề nóng nhưng chưa có thông tin đầy đủ, khi các cơ quan chức năng còn đang làm rõ, chưa có biện pháp xử lý khả thi hoặc những vấn đề quá chi tiết, không mang tính phổ biến.
Thứ hai, chọn đối tượng trả lời chất vấn: Đối tượng phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của nội dung chất vấn. Thực tế có trường hợp đại biểu chất vấn những việc không thuộc trách nhiệm của người bị chất vấn, ví dụ đại biểu cấp tỉnh nhưng chất vấn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một huyện A, B nào đó, trong khi việc cấp giấy chứng nhận thuộc trách nhiệm của cấp huyện hay chất vấn về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhưng lại chất vấn Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo...Việc xác định người đứng đầu cơ quan nào, phải chịu trách nhiệm ra sao đối với vấn đề bức xúc đang tồn tại là một điều khá khó khăn. Do đó, trước khi đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu phải giải quyết được hai câu hỏi: Thứ nhất, vấn đề chất vấn có xuất phát từ nguyên nhân chủ quan hay không; thứ hai, vấn đề đó có thuộc trách nhiệm của người định chất vấn hay không?
Thứ ba, trình bày nội dung chất vấn: Để chất vấn có hiệu quả, các câu hỏi nên ngắn gọn, đủ thông tin, chỉ nên đề cập sâu đến một vấn đề và có sự kết nối với những nội dung trình bày trước đó của người bị chất vấn. Trong trình bày nội dung chất vấn, đại biểu cần có thêm một số kỹ năng khác như: Lựa chọn sử dụng ngôn từ, sử dụng giọng nói, ngôn ngữ cơ thể một cách hiệu quả có thể làm nội dung trình bày trở nên sinh động hơn; tức là trình bày mạch lạc, rõ ràng, không nói quá to nhưng cũng không “nói ấp úng”, không “nói quá nhỏ”, chú ý âm lượng, cao độ, tốc độ khi nói. Một điều đáng chú ý khác là nội dung chất vấn được nêu ra ở phiên họp toàn thể, bởi vậy, khi trình bày nội dung chất vấn, đại biểu cũng nên chú ý các đồng nghiệp đang ngồi trong hội trường bằng các ngôn ngữ, cử chỉ hoặc một sự diễn giải hướng đến họ.
Thứ tư, thảo luận vấn đề chất vấn: Thảo luận, tức là có sự trao đổi ý kiến giữa các bên, giữa đại biểu với người bị chất vấn và giữa đại biểu khác với đại biểu chất vấn và với người bị chất vấn; thảo luận để tìm ra lý lẽ, có quan điểm rõ ràng, có sức thuyết phục (không cãi chày, cãi cối, không nói lấy được). Thảo luận giúp cho đại biểu khai thác được nhiều khía cạnh của vấn đề; giúp đại biểu bình tĩnh lắng nghe ý kiến người khác, dù có thể đó là ý kiến trái chiều; giúp cho đại biểu hiểu rằng để nghiên cứu vấn đề đó, đại biểu cần phải tập trung nghiên cứu sâu hơn; những nhận thức mới từ những ý kiến khác nhau; giúp đại biểu có thêm khả năng trao đổi, suy nghĩ và quan điểm của mình một cách rõ ràng...Để làm được như vậy, Chủ tọa kỳ họp phải điều hành linh hoạt, gợi mở vấn đề để đại biểu tham gia “truy vấn” làm sáng tỏ vấn đề và quy trách nhiệm cụ thể cho người bị chất vấn.
Chất vấn và trả lời chất vấn, với mục đích cuối cùng là để tìm ra bản chất của vấn đề và đưa ra hướng giải quyết phù hợp; do đó, cần có sự thẳng thắn, mang tính xây dựng, có lý lẽ và thực tiễn thuyết phục, không cần thiết tạo áp lực hay có thái độ gay gắt, căng thẳng, quá lời. Việc thực hiện đúng lúc và hiệu quả quyền chất vấn để có được câu trả lời từ phía người được hỏi cũng là cách đại biểu thể hiện rõ trách nhiệm của mình đối với sự tín nhiệm của cử tri. Vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn cần được rút kinh nghiệm thường xuyên để cải tiến, đổi mới, để nâng cao chất lượng của phiên chất vấn, nếu không sẽ dễ trở thành hình thức, hiệu quả không cao, không đáp ứng được nguyện vọng của cử tri./.
 

Theo dbnd.laichau.gov.vn 


     

     

     
    Trang thông tin điện tử Hội đồng Nhân dân huyện Nam Giang - Tỉnh Quảng Nam
    Chịu trách nhiệm chính:  Zơ Râm Thị Hai - Phó Chủ tịch HĐND huyện
    Địa chỉ:  Thị trấn Thạnh Mỹ - Huyện Nam Giang - Tỉnh Quảng Nam
    Điện thoại: 02353.792.272 
    Email: hdndnamgiang@gmail.com