27/11/2019

 UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định số 1599/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”.
Đối tượng thực hiện là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Sản phẩm gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương.

Nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) là 1 trong những sản phẩm tham gia phương án thí điểm OCOP tỉnh Quảng Nam năm 2018

  Đề án đặt mục tiêu trong giai đoạn 2018-2020 sẽ hoàn thiện/nâng cấp 130 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương; Phát triển mới 100 sản phẩm; Phát triển từ 3 - 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; Công nhận/chứng nhận sản phẩm OCOP: Có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh; 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.
  Đồng thời, phát triển mới và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất-kinh doanh sản phẩm OCOP: Có ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia OCOP Quảng Nam, trong đó sẽ lựa chọn, củng cố 40 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp (và dịch vụ du lịch nông thôn) hiện có của các địa phương; Phát triển mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.
  Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện, xã) và lãnh đạo các doanh nghiệp/HTX tham gia OCOP; Nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ nhân lực tham gia vào hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP.
  Chu trình chuẩn OCOP được duy trì liên tục tại cấp tỉnh và cấp huyện. Hằng năm mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo Chu trình OCOP.
  Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP từ tỉnh đến cấp huyện, theo hướng gọn nhẹ để triển khai chu trình OCOP thường niên tỉnh Quảng Nam. Ban hành chính sách riêng cho chương trình OCOP; chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP; hoàn thiện chu trình OCOP thường niên. Xây dựng hệ thống hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hoá sản phẩm OCOP, từ cấp tỉnh, huyện theo chu trình thường niên; hệ thống xúc tiến đồng bộ, hoạt động bài bản; thương hiệu sản phẩm OCOP Quảng Nam được lan rộng và phổ biến trên toàn quốc.
Giai đoạn 2021-2030, phấn đấu có 500 sản phẩm OCOP ở thời điểm năm 2030. Phát triển mới ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tạo ra 100 tổ chức kinh tế OCOP vào năm 2030.
  Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2018-2020 hơn 579 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP chủ yếu huy động từ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh là chủ thể của Chương trình OCOP; ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện Chương trình OCOP chỉ mang tính chất hỗ trợ từ các nguồn kinh phí sự nghiệp trong dự toán chi ngân sách hằng năm.

* Để hỗ trợ triển khai Đề án, ngày 10/7 vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định chi gần 10 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2018 (đợt 2) cho các địa phương, đơn vị thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Ngoài ra, hỗ trợ UBND huyện Nam Trà My 500 triệu đồng để xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.


Linh Chi
Theo Báo kinh tế nông thôn
  • 1

 

 

 
Trang thông tin điện tử Hội đồng Nhân dân huyện Nam Giang - Tỉnh Quảng Nam
Chịu trách nhiệm chính:  Zơ Râm Thị Hai - Phó Chủ tịch HĐND huyện
Địa chỉ:  Thị trấn Thạnh Mỹ - Huyện Nam Giang - Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 02353.792.272 
Email: hdndnamgiang@gmail.com